Trà, Cà Phê và Hơn Thế Nữa

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

“Tôi chỉ ước con mình bình thường”

Mẹ&Con – Mải làm ăn, mải “say” với những thành công trong công việc, tôi không nhận ra những biểu hiện lạ của con. Ngay cả khi cô giáo liên tục ghi vào sổ liên lạc với phụ huynh, tôi vẫn cho là cô “quá lo”. Chỉ đến lúc bác sĩ báo cho tôi biết bé có dấu hiệu tự kỷ, tôi mới ngỡ ngàng, không tin vào những điều vừa nghe được… 
Tôi đã ước mang đến cho con tất cả!  
Từ quê lên thành phố, chật vật suốt những năm tháng sinh viên để học và tự nuôi sống bản thân, tôi luôn khao khát kiếm được thật nhiều tiền. Tiền, với tôi sẽ là thứ giúp giải quyết được rất nhiều, rất nhiều điều. Tôi lập gia đình với anh, cũng là một người từ vùng quê nghèo miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp. Vợ chồng yêu thương nhau lắm, và đều cùng một chí nguyện sẽ dùng chính tài năng, sức lực, sự chăm chỉ của mình để tạo dựng nên một sự nghiệp ở “xứ người”.
Sau 5 năm cưới nhau chúng tôi mới quyết định có con. Suốt 5 năm ấy, vợ chồng chắt chiu, tằn tiện. Nhân viên khác làm 8 tiếng, xong việc là về. Tôi và chồng thì miệt mài, cần mẫn, sẵn sàng làm đến 12 tiếng cũng không một lời than vãn. Chúng tôi thông cảm cho nhau, động viên nhau, tâm niệm với nhau rằng bao giờ đỡ cực khổ, mua được một mái nhà nho nhỏ, dành dụm đủ cho con chào đời rồi sẽ thu xếp lại thời gian, còn bây giờ cứ “cày” cái đã.
Không phụ sự nỗ lực của chúng tôi, 5 năm sau ngày ra trường, tôi được đề bạt lên vị trí trưởng phòng, được sếp vô cùng tin cẩn. Chồng tôi thì vẫn là một nhân viên, nhưng lại là một nhân viên trong tập đoàn nước ngoài danh tiếng. Chúng tôi vẫn quen nếp cũ, làm nhiều – chi tiêu ít, cắt giảm tối thiểu mọi thú ăn chơi mà bạn bè đồng trang lứa “nhảy” vào. Ngoài giờ làm, vợ chồng miệt mài học thêm những lớp nâng cao buổi tối. Giờ chúng tôi “gặp” nhau bao giờ cũng là sau 9 giờ tối. Nhưng được cái, chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi cảm giác mình đồng hành cùng nhau và đã chạm đến gần thật gần ước mơ kia.
Thêm một năm nữa trôi qua. Vợ chồng tôi đủ tiền mua một căn nhà nhỏ ở quận vùng ven. Trời ạ, căn nhà với những người quanh năm ở thuê mới ý nghĩa làm sao. Ngày dọn vào nhà, chồng tôi chạm tay vào từng bức tường, nghẹn ngào: “Mình có nhà thật rồi em ơi!”. Tôi chảy nước mắt với cảm giác này là “bếp của mình”, này là “phòng ngủ”, này là một trang thờ nho nhỏ – điều chúng tôi không thể có được trong những ngày tháng ở thuê.

Hạnh phúc tiếp tục mỉm cười với chúng tôi khi 6 tháng sau ngày “tân gia”, tôi biết mình đã đậu thai. Khỏi nói vợ chồng mừng rỡ thế nào. Tuy vẫn chưa bằng ai, nhưng rõ ràng mọi thứ đang đi lên, mọi thứ đều tốt đẹp! Chồng tôi là người rất chí thú làm ăn, rất lo cho vợ con. Điều đó khiến tôi rất ấm lòng. Anh nói: “Em bớt việc lại, dưỡng thai, lo cho con đi em!”. Nhưng nhìn anh cực, nhìn anh vẫn làm việc 12 tiếng/ngày, nhận thêm cả việc ngoài giờ, tôi thương quá. Tôi thấy không đành với chuyện “nghỉ ngơi”. Tôi muốn cùng anh san sẻ những gian nan. Giờ giấc làm việc của tôi chỉ giảm xuống một chút vào những tháng cuối thai kỳ. Xin nghỉ thai sản ở công ty, thay vì được phép nghỉ 4 tháng, tôi lại chỉ xin sau 1 tháng đầu tiên sẽ đi làm lại một buổi, và sau 2 tháng thì đi làm trở lại bình thường. 

“Ai đó nói rằng, hãy đánh giá thành công của mình bằng những thứ bạn phải mất đi, phải trả giá để có thành công đó. Câu này là một ám ảnh thấm thía với gia đình tôi”.

“Say” việc, tôi lơ cả chăm con!
Tôi sinh con trai. Bà nội ở ngoài quê lật đật khăn gói vào trông cháu. Mẹ chồng thương tôi lắm. Vốn người miền Trung hay tằn tiện, bà rất ưng ý khi thấy hai vợ chồng tôi đã có nhà cửa đâu đó đàng hoàng, mọi thứ đều biết dành dụm, thu vén cho con, áo quần chẳng se sua, đến điện thoại cũng chỉ dùng chiếc cũ thời… xưa lắc. Bà nội phụ tôi chăm cháu rất tận tình. Ngoài việc chăm cháu, bà còn đỡ đần cho tôi cả chuyện cơm nước. Thấy tôi đi làm về, bà chỉ giục: “Tắm rửa nghỉ ngơi đi con, để việc nhà/ việc tắm em, cho em bú sữa đó mẹ làm!”.
Có bà nội đỡ đần, tôi nhẹ cả người, chỉ khi về đến nhà mới cưng nựng con, còn lại hai vợ chồng lại chăm chỉ quay trở về với công việc. Nhiều chị trong công ty tôi thời điểm đó đã thủ thỉ khuyên tôi: “Em làm việc cũng làm vừa vừa, con cái cần nhất sự chăm sóc của ba mẹ những năm tháng đầu đời”. Nhưng tôi sợ mất đi những cơ hội tốt, phần nữa lại thấy bà trông cháu khéo quá nên rất yên tâm. Trộm vía, con tôi lại khỏe mạnh và ít ốm vặt. Dù bú sữa ngoài nhưng con ngoan, ít khóc, đặt đâu nằm ngoan đấy, chả quấy quả đòi mẹ bao giờ. Tất cả những điều ấy cộng lại, khiến vợ chồng tôi vẫn cứ say sưa, cần mẫn lao vào công việc, tự nhủ với nhau: “Con còn nhỏ mà, để bà chăm là được rồi. Vợ chồng cùng ráng một chút làm lụng dành dụm để sau này con có cuộc sống đỡ hơn ba mẹ, được bù đắp lại những thiệt thòi này…”.
Khi con trai tôi được 6 tháng, chồng tôi may mắn được công ty cử sang làm việc một năm ở công ty mẹ tại Hà Lan, để học hỏi thêm kinh nghiệm. Đây là cả một cơ hội rất lớn, vì không chỉ được đào tạo bài bản, học được nhiều kiến thức hơn, mà anh còn được hưởng mức lương cao vượt trội hơn hẳn trong giai đoạn làm việc ở nước ngoài. Thời điểm đó, chúng tôi như “say” cùng thành công (điều mà sau này tôi mới biết vô tình là cái “họa” tiềm ẩn mà chúng tôi không hề để ý). Anh sang châu Âu, thay vì ở nhà tôi nên giảm việc, tập trung vào với con để bù đắp cho con chuyện vắng ba cả năm dài thì tôi lại đầy hưng phấn, nghĩ rằng ông trời đang giúp gia đình mình, phải tận dụng triệt để cơ hội để chăm chỉ làm việc, kiếm tiền.
Ngoài giờ làm chính ở công ty, tôi mở thêm một trang facebook để bán hàng qua mạng. Một đứa bạn thân hỗ trợ cùng tôi. May sao, những mặt hàng của chúng tôi bày lên đều bán đắt. Tôi tranh thủ thời gian, chạy đi lấy hàng, giao hàng. Đôi lúc bản năng người mẹ cũng khiến tôi quay quắt nhớ con. Nhưng về đến nhà, thấy con ngoan ngoãn ngủ say hoặc chơi đùa, tôi lại yên tâm hôn con một cái rồi lại giao cháu cho bà, tất tả theo đuổi những công việc của mình. 

Tôi say việc, quên cả chăm con. Ảnh minh họa

Và… tôi điếng người khi biết con tự kỷ!
Con 1 tuổi, 2 tuổi rồi gần 3 tuổi… Cuộc đời vẫn dịu êm trôi trong cảm giác bình yên và hạnh phúc tràn đầy. Bà nội sau 2 năm giúp chúng tôi trông cháu thì lại về quê. Thời điểm đó con đã đủ 24 tháng để đi nhà trẻ. Vợ chồng tôi bán căn nhà cũ, mua được căn nhà mới rộng hơn, đẹp hơn và gần chỗ làm hơn nhiều. Chúng tôi đã có xe máy mới, tiện nghi trong nhà đã sắm sửa đầy đủ cả.
Phòng của con bây giờ được trang trí xinh xắn với rất nhiều những món đồ chơi. Chúng tôi mãn nguyện với mọi thứ, nghĩ chỉ cần với đà này thêm chừng… chục năm nữa, chắc sẽ đủ để lo cho con học những ngôi trường danh tiếng như mơ ước, thậm chí không chừng cả chuyện du học nữa kìa!
Thế nhưng, sự đời luôn có những chuyện không ngờ…
Ai đó nói rằng, hãy đánh giá thành công của mình bằng những thứ bạn phải mất đi, phải trả giá để có thành công đó. Câu này là một ám ảnh thấm thía với gia đình tôi.
Ngày con gần 3 tuổi, cô giáo ở lớp mầm non cứ liên tục gọi tôi lên trao đổi, viết vào sổ liên lạc của bé những dòng “cảnh báo”, rằng con tôi có dấu hiệu ít chơi đùa với bạn, chỉ thích chơi một mình, vốn từ rất nghèo nàn, hay lơ đãng và thờ ơ không theo kịp những gì cô hướng dẫn…
Cô khuyên tôi nên đưa bé đi khám bác sĩ. Tôi vâng dạ rồi lại cho qua. Thật sự lúc đó tôi không quá bận tâm, tôi chỉ nghĩ vì là trường chuẩn quốc gia nên cô… “kỹ” quá mức, chứ trẻ con hơi trầm tính một chút thì cũng có làm sao, bé vẫn khỏe mạnh, không hề đau ốm bệnh tật gì cơ mà!!!
Mãi đến mấy tháng sau, cô nói dữ quá, tôi mới bắt đầu chịu để mắt nhiều hơn đến những bất thường của con và cũng hơi là lạ với những biểu hiện khác biệt ấy. Tôi thu xếp đưa bé đi khám ở bệnh viện Nhi. Sau rất nhiều bài kiểm tra, thăm khám, trao đổi kỹ lưỡng với tôi và trực tiếp tiếp xúc với bé, bác sĩ thông báo với tôi: “Cháu có dấu hiệu bị hội chứng tự kỷ. Chị nên bình tĩnh và chuẩn bị tinh thần vì đây sẽ là một quá trình rất dài, rất kiên trì để đưa cháu về với… cuộc sống bình thường!”.
Trời ạ, trời đất như sụp đổ dưới chân. Tôi ngơ ngác hỏi bác sĩ tự kỷ là gì? Chữa như thế nào? Về đến nhà, tôi nói với chồng và chúng tôi dán mắt vào chiếc laptop, tìm hiểu mọi thông tin liên quan đến tự kỷ. Càng tìm hiểu, càng biết rõ tự kỷ nghĩa là gì, tôi càng choáng váng. Điều tôi đau đớn nhất là những thông tin: “Nếu phát hiện sớm trước khi bé 2 tuổi, xác suất giúp bé trở lại như một đứa trẻ bình thường sẽ cao hơn rất nhiều so với phát hiện muộn”. Trời ơi, tại sao tôi lại mải làm đến thế, đến mức không nhận ra cả những khác biệt của con???
Hành trình của tôi sẽ không thể dừng ở đây.
Mọi thứ bây giờ chỉ mới bắt đầu. Như bác sĩ nói, vì con tôi có những biểu hiện khá nặng nên tôi sẽ phải toàn tâm toàn ý cùng con đi xuyên qua nỗi đau…
Những giọt nước mắt đã rơi.
Những đêm dài mất ngủ.
Những lúc nhìn con như đang ở một “thế giới” khác, khép mình và thờ ơ trước mẹ, lòng tôi đau như cắt. Tôi đã cố làm tất cả cho con, đã mong mang đến cho con những điều tốt đẹp ở “tương lai”. Nhưng giờ đây, trớ trêu thay, tất cả những gì tôi mong không còn là những ngôi trường danh tiếng, là những xe cộ, nhà cửa đủ đầy cho con nữa. Tôi chỉ ước con có thể “bình thường”, bình thường như… một đứa trẻ bình thường! 
T.T.P.L
Nguồn: Mẹ&Con, Cập nhật: 07/08/2013