Trà, Cà Phê và Hơn Thế Nữa

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía để nâng cao thu nhập cho người nông dân

Ngành mía đường Việt Nam nên đầu tư và đầu tư mạnh hơn nữa vào các công tác tưới nước và tiêu nước, chăm sóc mía, sử dụng phân bón hợp lý và đầu tư cơ giới hóa trong chăm sóc và thu hoạch.

Ngày 14/7/2014, Thành Thành Công tổ chức Hội thảo Quốc tế lần II với chủ đề Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Chủ đề xuyên suốt của hội thảo xoay quanh các giải pháp, mô hình thực tiễn trong canh tác, thu hoạch mía nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng thu nhập cho nông dân. Hội thảo được sự tài trợ và phối hợp của các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực Nông nghiệp như Công ty John Deere, Công ty Valmont Valley, CTCP Phân bón Việt Nhật, CTCP Phân bón Miền Nam và Công ty Netafim.

Hội thảo thu hút sự quan tâm, tham dự của hơn 200 khách mời là đại diện cho những Tập đoàn hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực Nông nghiệp - mía đường hàng đầu thế giới như Mỹ, Úc, Isarel,… Sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, Viện nghiên cứu mía đường Việt Nam & thế giới, cán bộ quản lý của các Công ty, nhà máy mía đường khắp Việt Nam. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các nông dân sản xuất mía điển hình ở Việt Nam và Thế giới và đặc biệt là sự tham dự của cán bộ đại diện Bộ Nông nghiệp & phát triển Nông thôn Việt Nam.

Hội thảo Quốc tế lần II với chủ đề Giải pháp giảm chi phí sản xuất mía để nâng cao thu nhập cho người nông dân do Thành Thành Công (TTC) tổ chức.

Hội thảo là nơi để các các cá nhân, tổ chức họat động trong ngành mía đường nhìn lại thực trạng sản xuất mía đường của Việt Nam trong vụ sản xuất 2013 – 2014, để các nhà khoa học chia sẻ những tiến bộ khoa học kỹ thuật đang được áp dụng trong lĩnh vực Nông nghiệp – mía đường hiện đại. Bên cạnh đó, hội thảo cũng là dịp để các nhà quản lý có cơ hội giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác nhằm giúp những người nông dân trồng mía tiếp cận nhanh chóng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất mía hiệu quả tại Việt Nam và thế giới.

Nội dung trong buổi hội thảo tập trung đi sâu vào chia sẻ các giải pháp, các mô hình tưới nước hiệu quả cho mía với chi phí thấp trong các điều kiện tự nhiên khác nhau. Hội thảo cũng chia sẻ các mô hình quản lý sản xuất, canh tác mía tiến tiến, hiệu quả tại Việt Nam và trên thế giới như mô hình canh tác sản xuất mía với chi phí thấp của nông dân New South Wales - Úc, mô hình quản lý lưu gốc hiệu quả ở Tây Ninh và mô hình sản xuất năng suất cao ở Tây Nguyên,… Ngoài ra, hội thảo cũng đề cập đến những giải pháp để kiểm soát một số sâu bệnh lây lan nghiêm trọng trên cây mía thông qua các biện pháp định danh, xác định vi sinh vật gây bệnh của đại diện Viện nghiên cứu mía đường Việt Nam, biện pháp phòng bệnh lây lan qua hom giống thông qua chương trình sản xuất giống mía ba cấp của đại diện Viện nghiên cứu mía đường Philippines.

Cụ thể, tại hội thảo Ông Luis Enrique Rodriguez – Giám đốc Marketing toàn cầu của John Deere giới thiệu về các biện pháp canh tác ở Louisiana nhằm giảm chi phí sản xuất mía và một số phương pháp kĩ thuật canh tác nâng cao năng suất cho mía, những cải tiến kĩ thuật được áp dụng để tăng năng suất và chất lượng mía, cách thức làm tăng hàm lượng chất hữu cơ, giảm thiểu tối đa việc làm đất… Với mục đích nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất cho các ruộng mía có quy mô nhỏ, Hội thảo giới thiệu về lợi thế của hệ thống tưới nhỏ giọt, so sánh đặc điểm giữa hệ thống tưới nhỏ giọt ngầm và hệ thống tưới nhỏ giọt nổi, hướng dẫn cách thiết lập hệ thống tưới nổi cho mía. Sự cần thiết của hệ thống tưới bằng nguồn nước tự nhiên thể hiện qua hiệu quả kinh tế đạt được tại một số vùng nguyên liệu. Ông Hyatt Thomas James – Giám đốc dự án toàn cầu phụ trách về tưới phun của Úc trình bày về Mô hình tưới tự hành để giảm chi phí sản xuất mía tại Queesland. Bài trình bày mô tả kĩ những đặc điểm, cách vận hành hiệu quả cũng như vấn đề của phương pháp tưới tự hành. So sánh hiệu quả giữa tưới tự hành và tưới nhỏ giọt ngầm và một số giải pháp để cải thiện lợi nhuận cho ngành mía đường. Mô hình này được áp dụng thành công tại các nước công nghiệp mía đường như Brazil, Mỹ, Úc.
Khách mời tham dự tại hội thảo.

Ngoài ra, CTCP Mía đường Nước Trong trình bày tại hội thảo về mô hình tưới nước hiệu quả tại Công ty, theo đó triển khai hệ thống tưới mía và cải tiến quy trình kĩ thuật canh tác mía và một số thành tựu mà công ty đã đầu tư phục vụ tưới và kết quả đạt được. Đặc biệt ông Huỳnh Văn Giáo nông dân tiêu biểu của CTCP Đường Ninh Hoà trình bày sáng kiến tưới mía từ nguồn nước tự nhiên, qua đó hướng dẫn cơ bản cách thiết lập hệ thống tưới do nông dân thiết kế. Bài báo cáo nêu ra hiệu quả về kinh tế và kĩ thuật của hệ thống tưới bằng nguồn nước tự nhiên. Đối với lĩnh vực nông nghiệp thì việc phòng trừ các loại sâu bệnh là việc quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của chất lượng nông sản sau này.

Riêng đối với cây mía thì phòng tránh các bệnh hết sức quan trọng, vì vậy trong hội thảo lần này Ông Cao Anh Đương – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường Việt Nam tóm tắt sơ lược về bệnh phấn trắng do phytoplasma. Triệu chứng, phương thức lan truyền và đặc điểm so sánh các bệnh do phytoplasma, triệu chứng thiếu sắt. Một số biện pháp để quản lý bệnh. Thêm một giải pháp giúp tăng năng suất cây mía. Ông Lê Ngọc Tĩnh, một nông dân lớn của TTCS với năng suất mía của ông đạt trên 8 tấn đường/ha giới thiệu đến hội thảo mô hình lưu gốc hiệu quả tại Tây Ninh, theo đó bài trình bày nêu ra một số ưu điểm của mía lưu gốc, trình bày nguyên nhân gây năng suất mía gốc giảm, các yếu tố kéo dài vụ lưu gốc. Ông đưa ra một số chứng minh thực tế bằng hiệu quả kinh tế khi lưu gốc và thông tin một số nông dân điển hình. Thuộc chương trình cải thiện chất lượng giống mía của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công, đại diện là Ông Mr. Leon Arceo – Nguyên viện trưởng viện nghiên cứu Mía đường Phillippines – Philsurin có bài trình bày về tầm quan trọng của các giống nhập nội, giới thiệu đặc điểm một số giống mía có tiềm năng từ viện nghiên cứu mía đường Philippines.

Theo các nội dung được trình bày tại hội thảo có thể thấy rằng, ngành mía đường Việt Nam nói chung hay nông dân Việt Nam nói riêng nên đầu tư và đầu tư mạnh hơn nữa vào các công tác tưới nước và tiêu nước, chăm sóc mía, sử dụng phân bón hợp lý và đầu tư cơ giới hóa trong chăm sóc và thu hoạch. Ngoài ra, hội thảo đã chứng minh được rằng việc sử dụng giống mía tốt, giống mía sạch bệnh dựa trên nền tảng nghiên cứu chọn tạo bài bản, chương trình nhân giống mía ba cấp hay công tác quản lý mía gốc tốt hơn để tiết giảm chi phí trong sản xuất. Cuối cùng người nông dân nên lưu tâm hơn đến việc kiểm soát và phòng ngừa các bệnh lây lan nguy hiểm cho mía.

Hội thảo quốc tế nông nghiệp lần II đã góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân trong công tác trồng trọt, quản lý, chú trọng hơn đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nhằm giảm chi phí sản xuất từ đó cải thiện thu nhập cho người trồng mía. Đối với các Công ty hoạt động trong lĩnh vực mía đường, đây là nền tảng cho một chiến lược phát triển bền vững trước bối cảnh thị trường còn bộn bề khó khăn và sự cạnh tranh cây trồng ngày càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết.

Đây là lần thứ 2, Thành Thành Công tổ chức Hội thảo Nông nghiệp – mía đường quốc tế tại Việt Nam. Lần thứ nhất đã được tổ chức thành công vào ngày 19/7/ 2013 với chủ đề Nâng cao năng suất và chất lượng mía Việt Nam. Hội thảo đã thu hút đông đảo các chuyên gia đầu ngành và nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Anh Đức