Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013
3 ĐIỀU BILL GATES HỌC ĐƯỢC TỪ WARREN BUFFETT
Cuối tháng trước, Bill Gates đã đến Omaha để dự đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway. Những cuộc gặp mặt như vậy luôn thú vị đối với Bill Gates, ông chia sẻ rằng mình học hỏi được nhiều từ Warren và thấu hiểu sâu sắc về những điều mà nhà hiền triết xứ Omaha suy nghĩ.
Đây là 3 điều mà Bill Gates đã học được từ Warren Buffett trong những năm qua được ông bộc bạch trên blog cá nhân của mình:
1. Không chỉ về đầu tư
Điều trước tiên mà mọi người tìm hiểu về Warren luôn là những suy tính trong việc đầu tư. Đó là lẽ tự nhiên khi nhìn vào những thành tựu tuyệt vời mà ông giành được. Thật không may, điều này cũng khiến rất nhiều người phải dừng lại, do bị bỏ lỡ mất một thực tế là Warren có nền tảng vững chắc và đầy đủ để có thể tư duy kinh doanh.
Ví dụ như ông ấy nói về chuyện hãy tìm kiếm một 'con hào' của công ty - chính là lợi thế cạnh tranh của công ty đó. 'Con hào' hay lợi thế cạnh tranh của công ty có thể sẽ bị thu hẹp lại hoặc phát triển rộng hơn.
Warren nói rằng một cổ đông phải hành động giống như thể anh ta sở hữu toàn bộ doanh nghiệp, nhìn vào dòng lợi nhuận tương lai và quyết định những gì mang lại giá trị cho doanh nghiệp đó.
Phải sẵn sàng lờ đi phản ứng của thị trường thay vì đuổi theo nó, nếu bạn muốn tận dụng cơ hội trước những sai lầm của thị trường - khi định giá các công ty quá thấp.
Tôi phải thừa nhận một thực tế rằng, khi lần đầu gặp gỡ Warren, việc ông ấy có những tư tưởng này đã khiến tôi rất bất ngờ. Tôi đã gặp ông ấy trong một bữa tối mà mẹ tôi cũng đến tham gia. Trên đường đi tôi nghĩ "Tại sao mình muốn gặp người đàn ông đang lựa chọn các cổ phiếu này?" Tôi đã cho rằng ông ta chỉ sử dụng những công cụ khác nhau trên thị trường để đưa ra quyết định như khối lượng giao dịch, sự thay đổi về giá cổ phiếu theo thời gian ra sao. Nhưng khi chúng tôi bắt đầu trò chuyện, ông ấy đã không hỏi tôi về bất cứ điều gì trong số đó.
Thay vào đó ông hỏi tôi một câu hỏi lớn về các nguyên tắc kinh doanh cơ bản của công ty chúng tôi. "Tại sao IBM không thể làm điều mà Microsoft đã làm? Tại sao Microsoft lại có lợi nhuận như vậy?" Đó là lúc tôi nhận ra rằng Warren suy nghĩ về việc kinh doanh sâu sắc hơn những gì tôi cho rằng ông ấy quan tâm.
2. Nói theo cách của bạn
Tuy có rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp viết thư cho các cổ đông của họ, nhưng Warren nổi tiếng nhờ sự công tâm của mình trong các bức thư đó.
Phần vì sự hài hước tự nhiên từ chính con người ông, phần vì mọi người nghĩ rằng những lời khuyên trong đó sẽ giúp họ đầu tư tốt hơn (và họ đang đầu tư đúng). Không chỉ thế, các bức thư được đón nhận vì Warren sẵn sàng trò chuyện thẳng thắn và chỉ trích những thứ như quyền chọn cổ phiếu hay chứng khoán phái sinh. Ông ấy không sợ mất vị thế, giống như việc ông giữ vững lập trường chuyện ủng hộ tăng thuế đánh vào người giàu, đi ngược với quyền lợi của chính mình.
Warren đã đem lại cảm hứng để tôi bắt tay viết những bức thư thường niên về các hoạt động của công ty. Tôi vẫn có con đường đi của riêng mình trước khi biết Warren, nhưng thật hữu ích nếu chúng ta ngồi lại và giải thích về các kết quả mà mình đã đạt được, cả tốt lẫn xấu.
3. Biết quý trọng thời gian
Dù bạn có nhiều tiền hay không, bạn cũng không thể mua được nhiều thời giờ hơn. Chỉ có 24 giờ trong một ngày đối với tất cả mọi người. Warren có ý thức sâu sắc về điều này. Ông ấy không cho phép lịch làm việc của mình bị lấp đầy bởi các cuộc họp vô dụng.
Tuy nhiên, Warren lại cũng rất hào phóng với những ai mà ông ấy tin tưởng. Warren đưa số điện thoại của mình cho các cố vấn thân cận ở Berkshire, và họ chỉ cần nhấc máy gọi là ông sẽ trả lời điện thoại.
Mặc dù Warren tham dự hàng tá cuộc gặp mặt ở các trường đại học hàng năm, nhưng không nhiều người nhận được các lời khuyên tư vấn từ ông ấy. Tôi cảm thấy rất may mắn về chuyện này: Cuộc đối thoại với Warren là vô giá với tôi, không chỉ ở Microsoft. Khi vợ chồng tôi bắt đầu mở ra quỹ từ thiện của mình, tôi đã đến gặp ông để được tư vấn. Cách tuyệt vời mà Warren quan sát thế giới là: chỉ khi mang lại ích lợi cho xã hội thông qua ngăn chặn nghèo đói và bệnh tật, khi đó mới gọi là tạo dựng doanh nghiệp.
Thùy Phương
linkedin.com