Trà, Cà Phê và Hơn Thế Nữa

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

NHỮNG THẾ HỆ NGỒI CHỜ



Cách đây không lâu, tôi được một anh bạn chia sẻ bài phát biểu nhậm chức của anh Nguyễn Thành Nam-Tân Tổng Giám Đốc của FPT vào thời điểm đó. Anh Nguyễn Thành Nam bây giờ đã không còn ngồi trên cái ghế tư lệnh tối cao của tập đoàn FPT nữa. Thay vào đó là anh Trương Đình Anh, người trước đó đã rất nổi tiếng và được nhiều bạn trẻ hâm mộ bởi những phát biểu ấn tượng trên truyền hình. Dĩ nhiên, cho đến giờ phút này anh Trương Đình Anh vẫn chưa thể trở thành Thủ Tướng như những tuyên bố hùng hồn trên ti-vi cách đây mấy năm. Nội bộ FPT thế nào để dẫn đến sự thay đổi vị trí cao nhất trong thời gian rất ngắn như thế thì tôi không dám bàn. Nhưng thú thật, tôi rất ấn tượng với bài phát biểu nhậm chức của anh Nguyễn Thành Nam. Ấn tượng đến nỗi tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, gần như thuộc. Anh Nguyễn Thành Nam đã đề cập đến nhiều vấn đề của gia đình FPT, phần nhiều liên quan đến cấu trúc công ty, phân tích nguyên nhân thành bại trong quá khứ, hiện tại, định hướng tương lai…Những vấn đề anh nêu ra, cá nhân tôi không cho rằng nó chỉ đúng cho riêng FPT mà còn là điều đáng suy nghĩ đối với nhiều công ty, tập đoàn lớn khác của Việt Nam chúng ta. Trong cả bài phát biểu, tôi chú ý nhất đến một đoạn rất ngắn nhưng vấn đề làm tôi suy nghĩ nhiều nhất:

“Chúng ta có: sáng tạo công nghệ, hưng thịnh quốc gia ? Gọi là một sự nhục nhã cũng không quá khi tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt nam không sở hữu bất cứ một patent nào về công nghệ trong suốt 20 năm qua, kể cả do mình làm ra hay là mua về được.”

FPT vốn là một tập đoàn hàng đầu Việt Nam, niềm hi vọng của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và công nghệ với hàng chục ngàn thanh niên, trí thức trẻ đầy sáng tạo mà không sở hữu bất cứ một patent nào về công nghệ sao ? Vậy, với những công ty khác thì thế nào, e rằng còn bi đát hơn, nhục nhã hơn. Còn nhớ, có một thời (có lẻ cho đến tận bây giờ) các kỹ sư CNTT trẻ sau khi ra trường, được vào FPT là một vinh dự, niềm hãnh diện. Vậy bao nhiêu năm qua, bao nhiêu kỹ sư gia nhập FPT chỉ để “coding”, gia công phần mềm cho các hãng nước ngoài thôi chăng ? Hay đơn giản chỉ là kỹ sư đấu nối thiết bị, mua bán và nhận chuyển giao công nghệ thôi chăng ?

Mấy hôm trước, lang thang trên mạng, tôi tình cờ đọc được bài viết “Những thế hệ ngồi chờ” của anh Trần Quốc Việt. Đoạn dẫn nhập như sau:

“Chúng ta là chiếc bóng của lịch sử. Khi chúng ta ngồi chờ lịch sử ngồi chờ theo, khi chúng ta hành động lịch sử bắt đầu trở mình, và khi chúng ta sợ hãi triền miên lịch sử sẽ đứng yên. Lịch sử là chúng ta. Vâng, lịch sử là chúng ta nhưng chúng ta khôn ngoan chờ người khác đi trước. Thế là tất cả chúng ta ngồi ngó nhau và chờ lẫn nhau. May thay lịch sử cũng rất kiên nhẫn chờ theo. Bóng đèn cuối cùng tắt trên ga Chờ nhưng chuyến tàu Lịch sử sao vẫn chưa chuyển bánh ?”

Bài viết phần nào mang hơi hướng chính trị hoặc tác giả cố tình lồng ghép những ý kiến mang tính chính trị vào bài viết. Nhưng thật sự đáng đọc và suy ngẫm. Nó làm tôi cảm giác như tác giả viết về mình, thế hệ của mình. Bởi bản thân tôi, xét cho cùng, dù cố vùng vẫy trong khoảng không gian được phép (vốn rất chật hẹp) vẫn là một kẻ “ngồi chờ”. Nếu không có gì thay đổi, con trai tôi (năm nay cháu học lớp 1) sẽ tiếp bước cha nó tiếp tục những thế hệ ngồi chờ. Tôi tự hỏi “ngồi chờ” có phải là thuộc tính của thế hệ chúng tôi hoặc nghiêm trọng hơn đấy là dân tộc tính của người Việt chúng ta ? Kết nối với bài phát biểu của anh Nguyễn Thành Nam thì rõ ràng kết luận trên không phải là quá hồ đồ hoặc không có cơ sở.

Thông thường, chúng ta hay ngưỡng mộ những người có cá tính mạnh mẽ, ý chí “tiến lên” phía trước. Nhưng những con người với thuộc tính ngoan ngoãn, dễ bảo, “ngồi chờ” lại luôn là những con người dễ mến. Những đồng nghiệp luôn gật đầu phải chăng là người mà ta luôn muốn họ lắng nghe câu chuyện của mình. Giáo viên luôn tuyên dương những học sinh ngoan ngoãn, nghe lời thầy cô giáo…Chúng ta có thể kể không hết những ví dụ như thế. Nhưng có điều không thể chối cãi rằng những phát kiến, sự sáng tạo luôn đến từ những con người luôn “tiến lên”, không khuất phục hoàn cảnh chứ không phải đến từ những tính cách ngồi chờ. Chúng ta thường hay tự khen nhau rằng “người Việt cần cù, chịu khó, sáng tạo”. Cần cù và chịu khó cần phải bàn luận thêm. Nhưng sáng tạo hay nói cách khác là thuộc tính “tiến lên” thì e rằng không đúng. Có thể chúng ta được nghe nhiều về việc học sinh Việt Nam (hoặc người gốc Việt) đạt giải cao trong các kỳ thi này kia nên tự huyễn hoặc mình chăng ? Rất dễ dàng để thấy rằng những ngôi sao chói lòa này hoàn toàn biến mất sau đấy mà chằng cho nhân loại hoặc đất nước chúng ta (quá ít để có thể liệt kê) phát kiến đáng giá nào cả.

Cũng tương tự như thế, chúng ta vẫn thường mộng mị bởi những lời khen mang tính xã giao của người ngoại quốc rằng “người Việt chúng mày khéo tay” cái gì cũng làm được. Công nhận điều này đúng nhưng lại thiếu sót ghê gớm. Do công việc, tôi có tiếp xúc nhiều với người ngoại quốc (Tây, Tàu, Mỹ, Ấn, Nhật…đủ loại). Trong câu chuyện, những lúc thuận lợi, tôi luôn hỏi họ và mong muốn họ trả lời một cách thành thật về cái sự khéo tay, sáng tạo của dân mình. Câu trả lời tựu trung như thế này (có thể làm tôi và các bạn phật lòng như hầu hết những sự thật khác): “công nhận người Việt chúng mày khéo tay, sáng tạo, ham học hỏi nhưng chỉ thích học lỏm, khôn lỏi”. Nghe nhột lỗ tai nhưng nghiệm lại thấy đúng quá các bạn ạ. Tỷ dụ như đàn ông nhà mình cái gì cũng biết lắm. Trong nhà đồ điện thứ gì hỏng là lôi ra sửa được tất nhưng thường thì được dăm bữa nửa tháng lại hỏng, lần sau nặng hơn lần trước. Hoặc tỷ như công nhân nhà máy, dạy một tí là có thể làm được ngay nhưng lại không chuyên, làm thì cẩu thả…rất rất nhiều những ví dụ như vậy. Trí thức ta thì suốt ngày đọc sách của nước ngoài rồi nói lại, phát biểu lại chứ có nghiên cứu và tư duy ra được cái gì mới mẻ đâu.Cho nên, trải qua mấy ngàn năm lịch sử mà không sinh ra nổi một triết gia hay nhà phát minh nào đóng góp cho nở mày nở mặt với nhân loại đâu. Cái này nếu không phải là “ngồi chờ” thì là cái thứ gì ?

Có người bảo rằng cái này là do ảnh hưởng của tư tưởng và giáo dục kiểu Nho Giáo. Tôi cho rằng ý kiến này có phần đúng nhưng không hoàn toàn đúng. Bởi người Nhật, người Hàn người ta không bị ảnh hưởng và giáo dục theo tư tưởng Khổng Mạnh sao ? Có khi còn nặng nề hơn ở Việt Nam ta nữa đấy chứ. Nhưng có ai dám nói người Nhật, người Hàn là “ngồi chờ” đâu. Về việc này không cần phải đưa ra dẫn chứng. Mà nói thật, dưới vòm trời Phương Đông này, không nước nào mà không sống dưới ảnh hưởng hoặc của Tàu hoặc của Ấn. Cho nên, cũng không thể đổ cho Nho Giáo với Khổng Mạnh được. Nếu nói người Phương Đông là người có thuộc tính “ngồi chờ” thì chắc rằng người Việt ta phải xếp hạng “ngồi chờ” dai nhất cõi Á Châu.

Hôm qua, lọ mọ thế nào tôi lại đọc bài viết về “Không gian phi kiểm duyệt” của anh Tào Lao Tử về nhóm “Khoan Cắt Bê Tông”. Không bàn đến các quan điểm khác của tác giả, tôi cứ thấy sao sao đấy với cái cụm từ “không gian phi kiểm duyệt” hay nói cách khác nghệ sĩ cần không gian để “tự do sáng tác”. Các nghệ sĩ nhà ta cứ hay rên siết với những cụm từ này để rồi cuối cùng không đẻ ra những tác phẩm để đời bởi lí do rất ư đơn giản là không thể sáng tạo với môi trường bị “cầm tù” như thế…Cứ theo cái lí luận này mà nói thì thế giới chẳng thể nào sản sinh ra Copernic hay Galile được. Những suy nghĩ thực sự và mạnh mẽ, sự suy nghĩ sáng tạo ra chân lý chứ không phải là ảo giác mơ màng chỉ đến từ những tính cách “tiến lên” chứ không phải từ những cá tính “ngồi chờ” đời thay đổi. Có quá không nếu tôi xem những lời phàn nàn về tự do sáng tác của các nghệ sĩ chúng ta là những lời phàn nàn của những nghệ sĩ “ngồi chờ” luôn càu nhàu trách số phận không đem lại cho anh ta/chị ta cái mà anh ta/chị ta chẳng cố làm hoặc hi sinh bản thân mình vì nghệ thuật. Chả trách, các truyện ngụ ngôn và cổ tích Việt Nam đầy rẫy những nhân vật ghen ghét người khác. Tất nhiên, ở bất cứ đất nước nào ta đều thấy những thuộc tính “ngồi chờ” không những không tìm kiếm mà thậm chí còn không ham muốn cái mà họ không sở hữu. Nhưng nếu đại đa số đều “ngồi chờ” kết hợp với tính lười biếng, dễ thỏa hiệp với hoàn cảnh như ở Ta cộng với tính kỷ luật kém tạo ra một đa số cơ học ưa kéo người khác xuống mức cho bằng với mình thì cái hậu quả ấy chính là điều chúng ta đã và đang chứng kiến suốt mấy thập kỉ qua. Đấy chính là tâm lí “ngồi chờ” trong “thanh bần” như cách nghĩ của hầu hết chúng ta. Cho nên, chẳng phải thậm xưng nếu cho rằng tính bằng lòng hay thuộc tình “ngồi chờ” ấy thể hiện tính hèn yếu và thiếu tinh thần của người Việt mình.

Tất nhiên, nhà cầm quyền bao giờ cũng cần sự im lặng hoặc khuyến khích những tính cách “ngồi chờ” của người dân hơn là cần bất cứ một tính cách “tiến lên” tích cực ngoại trừ tính tích cực mà họ khống chế được. Tính dễ quy thuận theo các mệnh lệnh luôn là mong muốn của mọi thể chế. Điều này đặc biệt đúng trong xã hội mà chúng ta đang sống. Có ý kiến cho rằng để thay đổi tình hình “ngồi chờ” ta nên “Thoát Trung” hay “Thoát Á”. Điều này thoạt tiên nghe cũng có lý nhưng ngẫm kỹ thì làm sao chúng ta có thể thoát Trung được khi bên cạnh ta là anh chàng khổng lồ mà cả thế giới chịu ảnh hưởng chứ có riêng gì Ta đâu. Nhìn người Nhật mà xem, văn hóa người Nhật có thứ gì mà không chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa. Nhưng khắp thế giới người ta bảo đấy văn hóa Nhật chứ chả nghe ai nói văn hóa lai Tàu như khi nhận xét về Việt Nam mình. Quay lại để thấy rằng đầu thời kì cải cách Minh Trị, người Nhật đã “tích cực” gửi người của họ sang Anh học tài chính-hàng hải, qua Đức học các ngành kỹ nghệ, qua Pháp Ý học văn chương-hội họa- nghệ thuật…để mang về hòa trộn tạo thành nền văn hóa-kỹ nghệ Nhật Bản không lẫn vào đâu được. Đấy là điều ta nên học hỏi về tính cách “tiến lên” mà không cần phải thoát Trung, thoát Á của người Nhật.

Quay sang nói chuyện lịch sử, chính trị. Ta có hơn 4,000 năm lập quốc nhưng thực chất suốt chiều dài lịch sử, Ta chỉ toàn “ngồi chờ” người khác để mà copy lại một cách thô thiển mà chả có tí sáng tạo nào. Hết bê nguyên mô hình anh Tàu về, lại đến Nga Xô…mà chẳng bao giờ tính tới tính cách Việt, tố chất con người Việt. Cho nên, nếu có ai hô hào, ca ngợi nền dân trị Mỹ với lưỡng viện các kiểu thì tôi cũng cho rằng trật lất.Bởi hiến pháp Mỹ được viết cho người Mỹ (Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ) sống trên đất Mỹ chứ không phải viết cho người Việt Nam với gần 90 triệu dân mà trình độ hiểu biết về thế nào là dân trị với dân chủ còn xa với mức “ngồi chờ” mà chúng ta đang bàn luận.

Nói kiểu gì thì nói, thuộc tính “ngồi chờ” đã tạo nên tính cách Việt, ăn sâu vào con người Việt đến đỗi chúng ta cứ ngỡ như mình đang “tiến tới” dù rằng vẫn “ngồi chờ” một đám cùng nhau.

– ĐẶNG NGỮ