Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013
CEO Starbucks 'chán' uống cà phê, đi bán trà
Howard Schulzt, CEO của Starbucks, đã từ bỏ thói quen uống cà phê sau 5 giờ chiều. Thay vào đó, ông chuyển sang thức uống thi vị hơn, mang đậm nét Á Đông hơn, đó là trà.
Móc túi 4,95 USD để mua một tách trà tại quán trà Teavana vừa khai trương sáng nay, Schulzt vừa nhâm nhi, vừa ngẫm về công việc kinh doanh. Tháng 11 năm ngoái, Starbucks đã chi ra 620 triệu USD để mua lại hãng trà Teavana, nơi ông đang ngồi.
Địa điểm đầu tiên của Teavana không thể hoàn hảo hơn: Tọa lạc ở Đại lộ Madison, thuộc khu Upper East Side tập trung toàn những người siêu giàu ở quận Manhattan của New York. Theo kế hoạch, Starbucks sẽ mở thêm 1.000 cửa hàng như vậy trong vòng 5 năm tới. Tham vọng của Schulzt là xây dựng một đế chế về trà, tương tự như những gì Starbucks đã làm với cà phê.
Teavana hiện tại có khoảng 300 cửa hàng. Tuy nhiên, chúng không bán đồ uống tại chỗ mà chủ yếu bán lá trà khô, cùng với một vài món hàng đính kèm như tách hay bình pha trà. Cùng với việc bán thức uống, Teavana sẽ bán thêm các món ăn có lợi cho sức khỏe.
Mục tiêu mà ông chủ Starbucks hướng tới là thị trường trà có giá trị khoảng 90 tỉ USD trên toàn thế giới (theo thống kê của Euromonitor). Tại những quốc gia mà thị trường cà phê đã bão hòa như Nhật Bản, Trung Quốc, Canada hay Anh, trà là món đồ uống đang lên. Nhìn ra toàn thế giới, trà lại là món đồ uống được sử dụng nhiều nhất, chỉ đứng sau nước.
Tại Mỹ, nơi cà phê vẫn là món đồ uống thống trị, số người thích dùng trà cũng đang tăng nhanh. Theo hiệp hội Trà của Mỹ, số người thích dùng trà tại quốc gia này đã tăng 16% trong vòng 5 năm qua.
Và để đảm bảo hơn cho thành công của Teavana, trong các cửa hàng trà sẽ không có bóng dáng của bất cứ thứ gì liên quan tới caffein, thứ làm nên tên tuổi của Starbucks. Kỳ vọng của Starbucks vào loại thức uống mới hẳn nhiên là rất lớn. Nhưng các chuyên gia phân tích thì không nghĩ như vậy.
“Starbucks đang cố gắng biến một món đồ uống tẻ nhạt (trà) trở nên thú vị hơn. Tuy nhiên, tôi không cho rằng Teavana có thể trở thành một thương hiệu lớn như Starbucks. Lý do rất đơn giản: Trong trà thiếu Caffein.
Nghe có vẻ ngớ vẩn, nhưng với lối sống công nghệ như hiện nay, tất cả đều muốn đòi hỏi cho mình 100 mg caffein, và họ sẵn sàng thay đổi vị giác để làm điều đó”, Brian Sozzi, CEO của Belis Capital Advisor nhận định.