Trà, Cà Phê và Hơn Thế Nữa

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

VĂN HÓA CÀ PHÊ THEO VÙNG MIỀN

Do ảnh hưởng bởi văn hóa vùng miền, đặc tính khí hậu, xã hội và con người. Người Sài Gòn & Hà Nội thưởng thức cà phê cũng rất khác biệt. Hiểu rõ văn hóa thưởng thức cà phê của từng vùng miền, bạn cũng sẽ biết cách điều chỉnh cách thưởng thức, cách phục vụ cho phù hợp nhất là với những người làm kinh doanh cà phê vậy.

Cùng là cà phê vỉa hè, nhưng cà phê Hà Nội và Sài Gòn dường như hết sức khác nhau. Ở một nơi nhiều mưa dầm và nhiều cung đường xe cộ loang loáng, người Sài Gòn uống từng giọt cà phê loãng và nhiều đá, lắng nghe những câu chuyện thời sự và trò chuyện rôm rả với nhau. Ở một nơi khác, những ly cà phê đậm và ít đá, thậm chí dù thời tiết nóng, ly cà phê có thể vẫn nghi ngút khói, người Hà Nội ngồi gật gù lắng nghe nhau, chia sẻ những không gian nhỏ và san sát của 36 phố phường, trầm ngâm.

Người Sài Gòn, hay của rất nhiều thành phố của miền Nam thường cà phê không nguyên cớ. Sau một đêm, người ta tìm đến nhau, làm đậm đặc lại đời sống, cố sôi động trở lại bầu không khí của từng ngày làm người, dù không có biến cố gì mới. Có lẽ vì vậy ở Sài Gòn người ta hay mua báo. Thời sự và những gì chuyển động quanh cuộc đời mình là điều được xem, đặt ra, mổ xẻ, tranh cãi, cười… thậm chí cãi đến giận nhau rồi dăm ba bữa trở lại vòng quay thường nhật đó. Người Sài Gòn gọi nhau “càphê nghe mày”, đôi khi chỉ là cái cách để ngồi gần nhau, nhìn nhau, thậm chí ngồi kế nhau và… làm thinh.

Cà phê vỉa hè Sài Gòn ồn ào và râm ran hơn ở Hà Nội. Ảnh: Thanh Hảo

Người Hà Nội ngày nay thì dường như không có thói quen cà kê ở quán cóc vỉa hè như một thói quen nhìn phố. Khi gọi nhau cà phê, thì thường cần gặp nhau để nói chuyện gì đó, thăm hỏi, bàn việc làm ăn lớn nhỏ… Những câu chuyện được nghe từ quán cà phê vỉa hè Hà Nội cũng không ồn ào râm ran như Sài Gòn. Báo thường ít bán được ở Hà Nội trong các tiệm cà phê, vì hầu như ai nấy cũng đã có chuyện để nói, để bàn. Thời sự thì đã nằm lòng từ đêm qua từ đài truyền hình hay phát thanh. Ly cà phê vỉa hè ở Hà Nội đậm hơn ở Sài Gòn và đến giọt cuối vẫn còn vị nguyên, khi người ta chia tay nhau ra về, mỗi người thường mang theo một câu chuyện của nhau để làm quà trong suy nghĩ. Người Hà Nội ít khi ngồi cà phê với nhau để lặng im nhìn đời sống.

Cô bạn Hà Nội ở một quán nhỏ thơ mộng kiểu Pháp trên đường Khúc Hạo mời tôi ly cà phê rất đậm và ít đường. Khi hỏi xin thêm đường, lại thoáng thấy người phục vụ mỉm cười. Nụ cười như thể nói là “người Sài Gòn vẫn hay thích ngọt nhỉ”.

Quán rất đẹp như vắng khách sáng. “Hà Nội ít người đi cà phê sáng như ở Sài Gòn”, cô bạn nói. Làm một người Sài Gòn ngồi cà phê ở Hà Nội, có thể bạn sẽ thấy mình ngơ ngác vì thói quen cà phê vô nguyên cớ của mình. Thậm chí cách mình ngồi cà phê và không biết nói gì với những người bạn Hà Nội cũng sẽ khiến mình chợt cảm thấy vô duyên lạ. Lúc đó, ly cà phê đậm bé tí cũng trở nên nhiều đến mức không thể nào uống cạn.

Lại chợt nhớ đến những buổi sáng cà phê của nhà thơ Du Tử Lê ở tận trời xa. Ông chia ngày chẵn ngồi ở một quán của các bạn văn nghệ, và ngày lẻ thì ngồi ở một quán nhiều các bạn đời hơn. Ly cà phê của ông thường rất đậm, nhưng vẫn là một loại cà phê nhạt của người Việt, lại cũng ít khi nào uống hết. Mang theo mình một cảm giác ngồi vỉa hè ở quê nhà, nhà thơ cũng mượn cà phê như một loại bán dẫn để nối kết sự sống quanh mình như thói quen đã mang theo bao năm tháng. Và đôi khi ly cà phê nhạt đó vẫn có thể làm đậm chút nào đó những giây phút đời mình trong những tháng ngày nhạt nhoà nối tiếp.

Ừ nhỉ, đôi khi nhấp một ly cà phê rất nhạt theo kiểu Sài Gòn, vẫn có cái gì đó đậm đà trong đời sống. Lạ thật.