Trà, Cà Phê và Hơn Thế Nữa

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Hướng dẫn trồng rau trong nhà


Trồng rau trong nhà không còn là ý tưởng mà đang được người dân đô thị đặc biệt quan tâm và thực hiện.Trong thời điểm hiện nay từ bó rau, trái cây, thức ăn bên ngoài xã hội bị báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm thì việc tự túc nguồn rau quả trồng tại nhà đang là xu hướng tất yếu của người dân thành phố.

Trồng rau trong nhà bằng thùng xốp
Với diện tích hạn chế của những căn nhà đô thị thì sự tận dụng từng vị trí để trồng rau trong nhà như sân thượng, mảnh đất sau hè, bồn đất bên cửa sổ, ban công nho nhỏ …để trồng các loại rau thơm, rau ăn lá hoặc cây ăn trái bằng các dụng cụ đơn giản không phải là việc khó làm, điều quan trọng người trồng phải biệt nơi cung cấp hạt giống, dụng cụ trồng trọt, sự hiểu biết cơ bản về trồng cây cỏ nói chung đồng thời phải dành thời gian chăm tưới cho vườn rau của gia đình.Người xưa thường nói “ Công trồng là công bỏ, công dưỡng là công ăn” mà.

Để đầu tư cho việc trồng rau trong nhà cần có các bước chuẩn bị sau :

1.Chuẩn bị dụng cụ trồng và giá thể phân đất:

Có thể tận dụng chậu nhựa rổ nhựa cũ đế trồng các loại rau thơm rau ăn lá miễn kích thước đáy chậu từ 10-15 cm là đạt yêu cầu. Riêng các cây ăn trái thì cần chậu nhựa có đáy sâu hơn từ 20-30 cm.Còn rau mầm thì có thể trồng tại bất cứ mơi đâu vì chỉ cần một lớp giá thể phủ nhẹ hay lớp giấy mềm cũng có thể gieo hạt rau mầm.

Thông thường để dễ chăm sóc người ta hay sử dụng các khay xốp trái cây để trồng rau ăn lá ( phần khay có đáy sâu) và trồng rau mầm ( phần khay nắp đáy mỏng)
Giá thể dùng để trồng rau trong nhà chia làm ba loại để người trồng lựa chọn tùy theo yêu cầu:

+ Mụn xơ dừa đã ủ và xử lý vi sinh: chủ yếu dùng để gieo hạt rau mầm, có thể xử dụng nhiều lần sau khi thu hoạch rau.

+Đất dinh dưỡng : thành phần chính là phân trùn quế có đầy đủ dinh dưỡng và không có độc tố và vi sinh vật gây hại an toàn cho cây trồng và người sử dụng.

+ Hỗn hợp giá thể : thành phần gồm xơ dừa-tro trấu-phân hữu cơ hoai mục để thay đất trồng các cây kiểng cây ăn trái.
giá thể đất sạch trộn hỗn hợp sử dụng cho trồng rau sạch trong nhà
2.Gieo hạt, trồng cây :

+Rau thơm các loại như : Húng, tía tô, kinh giới,…rau ăn lá như hạt cải, xà lách, ớt….gieo lớp mỏng khoảng 5g/ khay rải đều mặt khay xong tưới nhẹ, giử ẩm bằng cách tưới thường xuyên bằng bình phun hay vòi sen có tia nước nhỏ mịn, Để khay nơi khô mát không cần ánh nắng.khoảng 7-10 ngày hạt sẽ nảy mầm, khi cây ra một cặp lá rồi mới đưa ra nơi nhiều ánh nắng cho cây quang hợp,có thể dùng lưới đen hay tấm đậy che mát sau khi gieo

+Đối với các hạt khó nảy mầm cần phải xử lý trước khi gieo như rau muống, ngò gai, …nên ngâm trong nước (2 sôi + 3 lạnh) trong 8-10 giờ xong vớt ra ủ lại thêm 2-4 giờ hạt sẽ nứt vỏ rồi đem gieo thì tỷ lệ nảy mầm cao hơn.

+ Đối với hạt cải rau ăn củ ăn trái khi cây mầm có từ 2-3 cặp lá thì có thể lấy từng cây ra trồng chậu khác để cây có đủ dinh dưỡng lớn nhanh hơn.Hoặc có thể tỉa thưa bớt để ăn khi cây còn nhỏ, các cây còn lại có điều kiện mọc nhanh hơn.

Hạt giống cho người trồng rau trong nhà
3.Chăm sóc vườn rau quả trong nhà:

+Tưới nước : Chú ý tưới nhẹ và đều tay tránh làm dập lá rau, tưới ngày 2 lần lúc sáng sớm hay chiều vừa mát.Không tưới khi trời đang nắng nóng gắt.

+Để cây rau thơm không mọc quá cao có thể bấm bớt ngọn, giúp cây có thêm nhiều cành nhiều lá.Riêng rau húng khi ra hoa có thể cắt ngang hết ngọn cây xong bón thêm đất và phân, cây rau sẽ có lá mới nhanh chóng.Nếu thường xuyên cung cấp bổ sung dinh dưỡng cây rau thơm có thể sống từ 6 -12 tháng.

+ Các cây ăn quả trồng dễ dàng trong vườn nhà như : ớt, bầu bí, mướp, cà chua,cà tím, cây khác như ổi, bưởi, lựu, khế, vú sữa, chanh, hạnh, …có thể dùng chậu nhựa có đáy khá sâu từ 25-40cm để giúp cây đủ sức ra hoa kết trái thường xuyên.Cứ sau mỗi đợt thu hoạch trái nên bón thêm phân hạt và giá thể cho cây.
4.Bón phân và phòng trừ sâu bệnh:

+Đối với rau thơm và rau ăn lá : nên bón thêm phân trùn sau khi thu hoạch để cây có đủ dinh dưỡng ra lá tiếp tục.Trường hợp cần thiết mới sử dụng phân vô cơ ( ure, NPK, DAP…) trong giai đoạn cây con để cây mau phát triển lá , lưu ý thời gian cách ly an toàn khi thu hái là 15-20 ngày kể từ ngày bón phân vô cơ.Nên ngâm nước rồi tưới gốc ( chan phân vô cơ) khi chiều mát với liều lượng hướng dẩn.

Phân bón DAP
+Đối với cây ăn trái như ổi, lựu, chanh, hạnh…nên bón thường xuyên định kỳ luân phiên giữa phân vô cơ và hữu cơ như : Phân trùn quế, phân dơi, phân bò hoai, DAP, NPK, SA…kết hợp phun phân bón lá cung cấp khoáng vi lượng trong giai đoạn cây đang ra thân lá, hàng tháng bón làm 1 đợt hạt và 1 đợt phun dưỡng lá.

+ Yếu tố quyết định cho việc trồng rau trong nhà là ánh nắng, cần quan tâm thời gian nắng chiếu từ 5-6 giờ/ ngày mới đủ thời gian cây quang hợp ra lá ra hoa như theo mong muốn người trồng.

+ Việc phòng trừ sâu bệnh nên hạn chế tối đa sử dụng thuốc BVTV, nên kiểm tra sâu ốc vào sáng sớm để bắt và diệt bằng tay. Khi thấy các ngọn rau bị xoắn đầu chồi là cây đã bị bọ hít chích tấn công, có thể ngắt bỏ ngọt bị xoắn loại trừ mầm bệnh, cây sẽ lại ra chồi mới khỏe mạnh.

Khi trời mưa dầm kéo dài ngày cần kiểm tra cây dư nước bị úng hư rễ, vàng lá, chú trọng khâu thoát nước tốt, kê gạch dưới đáy chậu cây, có thể dùng lưới che bớt nước mưa cho khay ,chậu.

Trường hợp phải sử dụng thuốc BVTV khi cây bị nấm, bị úng hư, héo xanh đột ngột do vi rút thì chọn thuốc trong danh mục thuốc cho rau quả an toàn năm 2008.

Việc tận dụng không gian nhỏ hẹp để trồng rau trong nhà là một việc làm rất hữu ích. Chúng không những tô điểm cho không gian ngôi nhà thêm đẹp mà còn giúp cho bữa ăn gia đình thêm ngon miệng hơn, và đảm bảo vệ sinh an toàn.

Vào ngày cuối tuần, cả nhà tập trung lên sân thượng cùng nhau bắt sâu, lặt lá hư, bón phân tưới nước cho vườn rau gia đình, công việc đơn giản mọi người trong gia đình đều có thể tham gia tạo nên không khí thư giãn gắn kết sau một tuần làm việc vất vả ngoài xã hội.